Chương 2 Trại Tù Suối Máu

Đỗ Văn Phúc

Phần 1: Một Nơi Không Có Màu Xanhxalim2

Trại Suối Máu là nơi trước đây chính phủ VNCH giam giữ tù binh Cộng Sản. Đó là một khu rộng lớn gần thị xã Biên Hoà, gồm những căn nhà mái và vách đều bằng tôn kẽm. Trong trại có đủ nhà thờ, chùa, khu câu lạc bộ; nhưng nay đã bị quân đội Bắc Việt đập phá tan nát, hoặc dùng làm kho chứa hàng. Từ trại nhìn ra, có thể thấy xa xa, bên kia đường xe lửa xuyên Việt, những tháp chuông nhà thờ bao quanh bởi xóm nhà ngói đỏ.
Trong phạm vi trại không có lấy một cành cây ngọn cỏ. Đất như loại bột mịn màu vàng, nhưng khi nắng thì khô cứng. Chẳng có chút màu mỡ nào.
Có tất cả năm trại, gọi là K. Chúng tôi ở K-5. Nơi đây có chừng chín, mười dãy nhà san sát nhau. Gần cổng là một nhà lớn mái tôn, vách thấp, dùng làm hội trường. Cổng ra vào bị rào hẹp lại; chỉ chừa lối đi vừa đủ một người lách qua. Bên ngoài có một chòi gác mà cây súng đại liên luôn luôn chĩa nòng vào trại. Đến đây, thì dù ngu ngơ đến mấy, anh em chúng tôi cũng phải nhận rõ thân phận của mình chỉ là những người tù, không hơn, không kém.
Lúc mới đến, tôi ở tổ 6, nhà 2, đội 20. Sau đó, nhờ công tác làm lược kẹp, tôi được chuyển qua tổ 3, nhà 1, là tổ chuyên về mộc và rèn. Tổ 2, nằm đối diện với tổ 3, có hai hoạ sĩ Phi Long và Thái Tăng An. Các anh đang làm việc trang trí trên ban Chỉ huy trại. Một nhân vật rất đặc biệt, là anh Nguyễn Hoàng N., Thiếu tá phi công Chinook CH-47 ở Biên Hoà. Anh N. rất trẻ, tính tình cởi mở, ai cũng quý mến anh. Sau ngày tan hàng, anh N. được bộ đội Cộng Sản lưu dụng để huấn luyện cho phi công Bắc Việt. Anh cũng thực hành nhiều chuyến bay đi Kampuchea. Theo anh kể lại, họ đối xử với anh rất đàng hoàng, nể trọng. Nhưng sau khi thấy không cần anh nữa, họ đã bảo anh nên đi “học cải tạo một thời gian ngắn để biết đường lối chính sách của đảng.” Thế là anh được đưa vào Trại Suối Máu. Ban đầu, anh tưởng là đi “học ở trường cải tạo”, nên đã mang theo một xấp những bằng khen, giấy thưởng của quân đội Bắc Việt với hy vọng đó sẽ là những minh chứng về sự phục tòng và “nhiệt tình cách mạng” để anh có thể về sớm mà tiếp tục bay. Kể ra thì anh cũng về sớm thật, nhưng cũng phải mất một vài năm trong trại. Sau này, tôi gặp anh ở Sài Gòn. Anh có một cửa hàng bán rèm, sáo trang trí trong nhà ở đường Trần Quốc Toản, gần Trường Đua Phú Thọ. Chúng tôi nghe nói anh cưới một chị bộ đội. Nhưng qua trò chuyện, tôi không thấy chị ấy có chút nào là bộ đội Cộng Sản cả.
Trong đội tôi có nhiều nhân tài. Anh Trần Văn Thịnh và Trần Văn Ngữ là hai cây guitar rất nhuyễn. Hai anh dùng tôn, tự đóng đàn cho mình. Âm thanh không thua gì các cây đàn thật bán ngoài thị trường. Sau này, qua giai đoạn dùng ván ép để làm mặt đàn, thì tiếng đàn nghe trong trẻo, vang dội hơn. Chiều chiều, hai anh kéo nhau ra ngồi ngoài sân, chỗ giữa hai nhà 1 và 2, hợp tấu những khúc nhạc cổ điển. Các bạn tù kéo đến ngồi xung quanh, trầm trồ thưởng thức.
Biết tôi là em họ của ca sĩ Duy Khánh và có giọng hát tốt, các anh trong đội đã yêu cầu tôi hát giúp vui. Từ việc ham vui này, tôi đã vướng vào một điều lầm lỡ – tham gia vào ban văn nghệ của trại – mà về sau, tôi vẫn cảm thấy xấu hổ. Dĩ nhiên, trong thời điểm này, chúng tôi phải hát những bản nhạc của “Cách mạng” nếu không muốn bị chụp mũ, rắc rối. Thỉnh thoảng, khi nào ngồi lại với nhau những người thân tín, chúng tôi mới khe khẽ hát những bản nhạc vàng thời xa xưa của mình.
Nhạc sĩ Đại tá Nguyễn Văn Đông – lúc đó đã bệnh trầm trọng, đi đứng rất khó khăn – viết riêng cho tôi một bản nhạc điệu slow rock Bài hát mang tên Sài Gòn Trong Trái Tim Tôi. Anh nói:
– Phúc hát bài này sẽ rất hợp.
Tôi còn nhớ những câu tha thiết trong bản nhạc của anh “Nhưng trong tin yêu muôn người, Sài Gòn tiếc nuối khôn nguôi; Hà Nội héo hắt răng môi, cho nhớ thương vời vợi… Sài Gòn luôn trong trái tim tôi…”
Phía cổ nhạc thì có hai anh Cao Văn Trầm và Lê Văn Tuồng. Tiếng đàn guitar của anh Tuồng thì không thua gì tiếng đàn Văn Vĩ. Giọng anh Trầm đúng như tên anh, rất ấm. Tôi đã học từ anh Tuồng những điệu lý, Nam Ai, Nam Bình, Phượng Hoàng rất mùi. Nhưng khi tôi ngân nga sáu câu vọng cổ, chắc chắn sẽ có một anh nào đó phán:
– Nghe cứ như là kép đoàn Kim Chung!